Thời tiết quá nóng ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Thời tiết quá nóng ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng khi thời tiết quá nóng
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó chịu, bí bách mỗi khi thời tiết chuyển sang hè kèm theo những cái nắng gay gắt và oi ả. Ngoài cảm giác khó chịu, nắng nóng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người, đặc biệt là một số đối tượng dưới đây:
-
Người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên.
-
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
-
Những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh tiểu đường, các bệnh liên quan đến đường hô hấp…
-
Những người mắc bệnh thừa cân
-
Những người có thói quen hút thuốc
-
Những người thường xuyên phải làm việc ở ngoài trời, khu vực hay môi trường làm việc nóng bức, không thông thoáng khí
-
Những người làm việc nặng hay hoạt động nặng trong thời tiết oi bức
-
Người ở nơi khác chuyển đến, chưa kịp thích nghi với thời tiết nóng nực
Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe con người ra sao?
Trời nắng màng đến nhiều điều kiện thuận lợi cho công việc. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ đạt đến một ngưỡng quá cao hoặc trong trường hợp chúng ta phải liên tục làm việc, hoạt động dưới cái nắng oi bức trong thời gian dài, sẽ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe con người ra sao?
1. Phát ban nhiệt
Phát ban nhiệt do nắng nóng
Phát ban nhiệt, hay còn gọi là nhiệt gai là căn bệnh nhiều người dễ mắc phải nhất trong thời tiết nắng nóng. Khi bị phát ban nhiệt, trên da sẽ có hiện tượng nổi ban đỏ, mề đay, ngứa, đau rát, khó chịu. Nguyên nhân là do cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi. Tình trạng này thường gặp ở trẻ con với các triệu chứng dễ thấy là trên làn da của các bé xuất hiện các mụn nước, mụn nhọt xuất hiện ở cổ, ngực, cổ tay, khuỷu tay, ngực hay bẹn.
Nếu bị phát ban nhiệt, sau một thời gian cơ thể sẽ tự phục hồi mà không cần điều trị đặc hiệu. Trong trường hợp bị ngứa nhiều có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng thông thường và cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh và các triệu chứng sẽ dần biến mất.
2. Mất nước
Trong những ngày nắng nóng, cơ thể sẽ bị thiếu hụt lượng nước lớn để duy trì cơ chế hoạt động bình thường của cơ thể. Hiện tượng này được gọi là mất nước. Một số biểu hiện cho thấy cơ thể bị mất nước như: mệt mỏi, khó chịu, chóng mặt, khát nước, nước tiểu vàng, thậm chí ngất xỉu. Lúc này cần cho người bị mất nước uống bù điện giải để bổ sung nước và điện giải cho cơ thể.
3. Kiệt sức
Kiệt sức do nắng nóng
Khi cơ thể bị mất nước, mất muối khoáng do đổ mồ hôi quá nhiều rất dễ dẫn đến kiệt sức. Khi bị kiệt sức, cơ thể sẽ có một vài biểu hiện giống như mất nước như: cơ thể mệt mỏi, khó chịu, chóng mặt kèm theo ngất xỉu. Tuy nhiên, kiệt sức sẽ có thêm một số biểu hiện như nhịp tim đập nhanh, thở nhanh, đau đầu, buồn nôn,…
Khi gặp trường hợp người bị kiệt sức dẫn đến ngất xỉu, bạn cần có các biện pháp sơ cứu kịp thời: để người bị ngất xỉu nằm đầu thấp, di chuyển đến vùng có không khí có bóng râm, thoáng mát, nới rộng áo quần và bù nước có muối khoáng. Sau đó theo dõi khoảng 30 phút, nếu thấy cơ thể ổn định thì không cần đến bệnh viện.
4. Đột quỵ do sốc nhiệt
Đột quỵ do sốc nhiệt
Khi ở dưới thời tiết nắng nóng quá lâu, nhiệt độ cơ thể lên đến 40 độ C có thể dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ do sốc nhiệt là vô cùng nguy hiểm và có thể nguy hại đến tính mạng con người. Một số dấu hiệu nhận biết hiện tượng đột quỵ do sốc nhiệt như: nhiệt độ cơ thể tăng lên, da đỏ, nóng, người không còn đổ mồ hôi nữa, thở dốc, sưng lưỡi, chóng mặt, buồn nôn, hành vi quá khích, kỳ quặc, hôn mê.
Khi thấy triệu chứng của bệnh này thì bạn cần có các biện pháp sơ cứu tạm thời bằng cách cho người bị nạn nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, đến nơi có bóng râm, thoáng mát sau đó thực hiện các biện pháp để làm giảm nhiệt cho nạn nhân: sử dụng quạt hoặc ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút hoặc sử dụng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể để hạ nhiệt độ cơ thể. Bên cạnh đó, bạn cần gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.
5. Chuột rút
Đối với những người lao động nặng hay những vận động viên phải tập luyện với cường độ cao dưới thời tiết nắng nóng, cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút do nhiệt.
Biểu hiện khi bị chuột rút do nhiệt là cơ thể bị đau ở các bắp thịt, bắp đùi, cẳng chân do khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều, dẫn đến tình trạng co thắt cơ.
Nếu gặp các triệu chứng này bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng. Tuy nhiên, cần lưu ý là không sử dụng nước lọc vì nước lọc không thể đáp ứng nhu cầu mất muối và nước của cơ thể. Bạn có thể sử dụng các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường… để bù muối khoáng. Sau khi nghỉ ngơi, bù nước các triệu chứng sẽ tự giới hạn và sẽ biến mất.
Những cách phòng tránh ảnh hưởng của nắng nóng đến sức khoẻ
Những cách phòng tránh ảnh hưởng của nắng nóng đến sức khoẻ
Để tránh những ảnh hưởng của nắng nóng gây nguy hại cho sức khoẻ, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ bản thân:
-
Hạn chế ra đường vào thời gian trời nắng nóng, nhất là thời điểm nắng nóng đạt cực đại (10 - 15h). Nếu bắt buộc phải ra đường, bạn nên che chắn, chống nắng kỹ càng bằng việc mặc áo khoác, váy chống nắng, mang tất, đeo kính, mang khẩu trang, bôi kem chống nắng…
-
Với những người lao động ngoài trời nên liên tục thì cần cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, có thể bổ sung nước chanh, nước chanh muối pha loãng để hạn chế tình trạng mất nước. Nhưng không nên uống quá nhiều nước đá hoặc nước lạnh để tránh bị viêm họng.
-
Khi ở trong phòng điều hoà, nên bật điều ở ở mức nhiệt vừa phải (28 - 29 độ), trước khi ra ngoài cần tăng dần nhiệt độ để cơ thể thích nghi, tránh tình trạng sốc nhiệt
-
Sử dụng quạt cần hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh.
-
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng: Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi trong việc chế biến các món ăn; nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn có nhiều nước hay những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: rau xanh, trái cây, sữa chua, sữa tươi, chè thanh nhiệt, …
Qua bài viết trên đây chắc hẳn bạn đã biết thời tiết quá nóng ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe. Do đó, bạn cần có những biện pháp phòng tránh để có một cơ thể luôn khoẻ mạnh.
Video:
Nguồn video: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM Youtube Channel
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm